Các tiêu chí thay thế dành cho các loại tổ chức cụ thể Wikipedia:Độ nổi bật (tổ chức và công ty)

Các mục sau đây nói về các phương pháp khác để xác lập độ nổi bật trong các tình huống cụ thể. Tuy nhiên, nội dung bài phải được hỗ trợ bởi các nguồn độc lập, và tránh nghiên cứu sơ cấp. Lưu ý rằng việc không thỏa mãn các tiêu chí này không phủ nhận độ nổi bật của chủ đề nếu nó có thể được chứng minh bằng cách khác.

Các tổ chức phi thương mại

Các tổ chức thường được xem là nổi bật nếu họ thỏa mãn cả hai tiêu chuẩn sau:

  1. Có phạm vi hoạt động ở mức quốc gia hoặc quốc tế.
  2. Các thông tin về tổ chức đó và các hoạt động của nó có thể được kiểm chứng bởi các nguồn đáng tin cậy, độc lập, thuộc bên thứ ba. (nói cách khác, họ phải thỏa mãn tiêu chí chính yếu được nêu ở trên, dành cho tất cả các tổ chức).

Các tiêu chí bổ sung:

  • Các chi nhánh (chapter) của các tổ chức quốc gia và quốc tế thường không đủ nổi bật để có một bài riêng, trừ khi xác lập được độ nổi bật đủ cao qua các nguồn đáng tin cậy vượt ra ngoài phạm vi địa phương của tổ chức. Tuy nhiên, các thông tin chi nhánh có thể được liệt kê tại các bài dạng danh sách nếu như các thông tin này kiểm chứng được.
  • Các tổ chức chỉ có hoạt động trong phạm vi địa phương có thể nổi bật nếu có thông tin kiểm chứng được từ nguồn độc lập đang tin cậy nằm ngoài địa phương của tổ chức đó. Nếu chỉ được nói đến trong các phương tiện truyền thông địa phương, có thể viết về tổ chức này trong bài viết về địa phương thay vì dùng bài riêng.
  • Có thể xét thời gian tồn tại, kích thước của tổ chức, hoặc các thành tựu chính, hay các nhân tố cụ thể khác của tổ chức. Dưới đây là danh sách không đầy đủ:
    • Tuy tổ chức mẹ có thể nổi bật, các chi nhánh của các tổ chức quốc gia hay quốc tế có thể không đủ nổi bật để có một bài riêng.
    • Bài về chi nhánh địa phương nên khởi đầu như là một phần của bài về tổ chức mẹ. Nếu bài về tổ chức mẹ phát triển dài đến mức nó có thể được tách ra các bài con, và độ nổi bật có thể được chứng tỏ bằng hướng dẫn chung về độ nổi bật, thì có thể tách bài. Việc này nên được thực hiện theo quy trình từ trên xuống (top-down). Xem {{splitsection}},

Các tổ chức thương mại

Các tập đoàn thương mại công (publicly traded corporation)

Đã từng có nhiều tranh luận (tại en.wp) về việc các tập đoàn thương mại công, hay ít nhất là các tập đoàn thương mại công được liệt kê tại các thị thường chứng khoán lớn như NYSE hay NASDAQ, có hiển nhiên đủ nổi bật hay không. Cộng đồng đã đi đến đồng thuận rằng các tổ chức thuộc trường hợp này không tự động đủ độ nổi bật. Tuy nhiên, thường có đủ các nguồn độc lập nói về các công ty mà độ nổi bật có thể xác định được qua tiêu chí chính được nói ở trên. Ví dụ về các nguồn này gồm có: các bài báo độc lập và báo cáo phân tích độc lập. Theo đó, các thành viên viết bài về các công ty này có trách nhiệm tìm ra các nguồn như vậy và đưa vào làm nguồn tham khảo cho bài để xác lập độ nổi bật một cách thích hợp. Khi gặp một bài viết về một công ty mà không có các nguồn tham khảo, các thành viên nên kiểm tra (hoặc yêu cầu người khác kiểm tra) trước khi đề nghị xóa, vì công ty đó có thể thực ra đã đủ nổi bật theo tiêu chí chính.

Chuỗi cửa hàng và các hệ thống kiểu nhượng quyền kinh doanh

Nhiều công ty có các chuỗi cửa hàng địa phương (local chains) hoặc các hệ thống nhượng quyền kinh doanh (franchise) mà các cơ sở đều khá là giống nhau—chẳng hạn như cửa hàng McDonald's trong vùng. Do thường có rất ít thông tin về các cửa hàng cụ thể khác với cả chuỗi cửa hàng nói chung, ta không nên viết các bài riêng cho các cửa hàng cụ thể. Trong một số trường hợp hiếm hoi, một cửa hàng cụ thể có thể có một số điểm đặc biệt nào đó về kiến trúc làm cho nó trở nên độc đáo và nổi bật, chẳng hạn như Trạm xăng Winston-Salem của Shell, hay McDonald's (Will Rogers Turnpike); tuy nhiên, một "Danh sách các cửa hàng Wal-Marts tại Trung Quốc" sẽ không có thông tin đáng chú ý. Ngoài ra, có thể có ngoại lệ nếu một sự kiện quan trọng nào đó đã xảy ra tại một cửa hàng địa phương; tuy nhiên, bài này nhiều khả năng sẽ được tạo với một cái tên miêu tả sự kiện chứ không miêu tả địa điểm (Ví dụ Vụ thảm sát tại cửa hàng McDonald's tại San Ysidro).

Trường học

Tất cả các trường đại học, cao đẳng và trường phổ thông, bao gồm trường trung học phổ thông, trường trung học cơ sở, trường tiểu học (cấp I) và trường chỉ hỗ trợ cho giáo dục chính thống phải đáp ứng hướng dẫn chung về độ nổi bật, hướng dẫn chung về độ nổi bật dành cho tổ chức và công ty hoặc cả hai. Các tổ chức và cơ sở giáo dục vì lợi nhuận được coi là tổ chức thương mại và phải đáp ứng các tiêu chí đó.

Tiêu chí dành cho bài viết về trường học tại Việt Nam

Có một nội dung hướng dẫn chỉ áp dụng cho các bài viết về trường học ở Việt Nam được các biên tập viên Wikipedia sử dụng để xác định xem trường học đó có nên hay không nên có một bài viết trên Wikipedia. Cụ thể, đối với các bài viết về trường học Trung học phổ thông (cấp III) tại Việt Nam, chủ thể trường học đủ nổi bật nếu đạt một trong các tiêu chí sau:

  • Trường chuyên cấp quốc gia, tỉnh, thành phố
  • Trường đạt phần thưởng cấp nhà nước (Huân chương Lao động hạng 3 trở lên)

Bệnh viện

Tất cả các bệnh viện cả công lập và tư nhân phải đáp ứng hướng dẫn chung về độ nổi bật, hướng dẫn chung về độ nổi bật dành cho tổ chức và công ty hoặc cả hai. Riêng các bệnh viện tại Việt Nam, theo đồng thuận thông qua ngày 24 tháng 9 năm 2021, các bệnh viện đạt một trong các tiêu chí dưới đây thì đủ nổi bật để có một bài viết trên Wikipedia:

  • Các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt.
  • Các bệnh viện thuộc tuyến trung ương.
  • Tại các địa phương trừ TP.HCM và Hà Nội: Chỉ bao gồm bệnh viện đa khoa của tỉnh/thành phố đó.
  • Ở TP.HCM và Hà Nội: Bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế, có huân chương lao động hạng II trở lên.
  • Các bệnh viện có huân chương lao động hạng I trở lên.
  • Các bệnh viện hạng I trực thuộc các bộ ngành trung ương trừ Quân đội[3] (ví dụ: các bộ ngành thuộc Thể thao, Giao thông Vận tải...).

Sản phẩm và dịch vụ

Thông tin về các sản phẩm và dịch vụ thường nên được đặt trong bài về công ty, trừ khi bài về công ty quá dài. Trong trường hợp đó, các sản phẩm và dịch vụ nên được tách khỏi bài về công ty theo kiểu tóm tắt (en:Wikipedia:Summary style).

Nếu sản phẩm hay dịch vụ đủ nổi bật, nó có thể được tách thành bài riêng, nếu không, nên đặt trong một bài có phạm vi rộng hơn, chẳng hạn như một bài nói về tất cả các sản phẩm và dịch vụ của công ty.

Liên quan